Không có việc gì quá dễ nhưng nó sẽ trở thành quá khó nếu bạn phải làm nó một cách miễn cưỡng "

Ngày 14 tháng 01 năm 2025

ĐĂNG NHẬP TÀI KHOẢN

Quên mật khẩu ?Đăng kí tài khoản

 » Kế hoạch » Kế hoạch năm

Tổ Nhà trẻ_Cấp dưỡng

Cập nhật lúc : 20:17 12/10/2022  

Kế hoạch năm 2022-2023

PHÒNG GD&ĐT TX HƯƠNG THỦY

TRƯỜNG MN THỦY THANH 1

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Số: …./KH-MNTT1

 

Thủy Thanh, ngày 30 tháng 8 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

 GIÁO DỤC NĂM HỌC 2022-2023

ĐỘ TUỔI: 24-36 THÁNG

 

 Căn cứ vào Văn bản hợp nhất số 01/2021/VBHN-BGDĐT ngày 13 tháng 04 năm 2021 ban hành chương trình giáo dục mầm non;

Căn cứ vào Thông tư số 51/2020/TT_BGDĐT ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung của chương trình Giáo dục mầm non ban hành theo thông tư 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25 tháng 7 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 28/2016/TT-BGDĐT ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 31 tháng 3 năm 2021,

Căn cứ vào chương trình giáo dục mầm non của nhà trường và tình hình, điều kiện thực tế của trường, lớp, của địa phương, khả năng và nhu cầu của trẻ. Trường mầm non Thủy Thanh 1 đã xây dựng kế hoạch giáo dục cho độ tuổi nhà trẻ 24-36 tháng năm học 2022-2023 như sau:

A. MỤC TIÊU.

         * Mục tiêu chung: Mục tiêu của giáo dục mầm non là giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ em vào lớp một; hình thành và phát triển ở trẻ những kỹ năng tâm lý, năng lực và phẩm chất mang tính nền tảng, những kỹ năng sống cần thiết phù hợp với lứa tuổi, khơi dậy và phát triển tối đa những khả năng tiềm ẩn, đặt nền tảng cho việc học ở các cấp học tiếp theo và cho việc học tập suốt đời

Giúp trẻ nhận biết, phân biệt được một số phương tiên giao thông quen thuộc.

Giúp trẻ phân biết một số hành vi đúng- sai khi tham gia giao thông.

Giúp trẻ thực hiện tốt những hành vi văn minh và những kỹ năng giữ an toàn khi tham gia giao thông.

I. PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT

- Khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao phát triển bình thường theo lứa tuổi.

- Thích nghi với chế độ sinh hoạt ở nhà trẻ.

- Thực hiện được vận động cơ bản theo độ tuổi.

- Có một số tố chất vận động ban đầu (nhanh nhẹn, khéo léo, thăng bằng cơ thể).

- Có khả năng phối hợp khéo léo cử động bàn tay, ngón tay.

- Có khả năng làm được một số việc tự phục vụ trong ăn, ngủ và vệ sinh cá nhân.

II. PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

- Thích tìm hiểu, khám phá thế giới xung quanh.

- Có sự nhạy cảm của các giác quan.

- Có khả năng quan sát, nhận xét, ghi nhớ và diễn đạt hiểu biết bằng những câu nói đơn giản.

- Có một số hiểu biết ban đầu về bản thân và các sự vật, hiện tượng gần gũi quen thuộc.

III. PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

- Nghe hiểu được các yêu cầu đơn giản bằng lời nói.

- Biết hỏi và trả lời một số câu hỏi đơn giản bằng lời nói, cử chỉ.

- Sử dụng lời nói để giao tiếp, diễn đạt nhu cầu.

- Có khả năng cảm nhận vần điệu, nhịp điệu của câu thơ và ngữ điệu của lời nói.

- Hồn nhiên trong giao tiếp.

IV. PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM, KỸ NĂNG XÃ HỘI VÀ THẨM MĨ

- Có ý thức về bản thân, mạnh dạn giao tiếp với những ngư­ời gần gũi.

- Có khả năng cảm nhận và biểu lộ cảm xúc với con người, sự vật gần gũi.

- Thực hiện được một số quy định đơn giản trong sinh hoạt.

- Thích nghe hát, hát và vận động theo nhạc; thích vẽ, xé dán, xếp hình; thích nghe đọc thơ, kể chuyện....

B. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN

I. PHÂN PHỐI THỜI GIAN

Chương trình thiết kế cho 35 tuần, mỗi tuần làm việc 5 ngày, áp dụng trong các cơ sở giáo dục mầm non. Kế hoạch chăm sóc, giáo dục hằng ngày thực hiện theo chế độ sinh hoạt cho từng độ tuổi phù hợp với sự phát triển của trẻ.

Thời điểm nghỉ hè, lễ, tết, nghỉ học kì theo qui định chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

II. CHẾ ĐỘ SINH HOẠT

Chế độ sinh hoạt là sự phân bổ thời gian và các hoạt động trong ngày một cách hợp lí ở các cơ sở giáo dục mầm non nhằm đáp ứng nhu cầu về tâm lý và sinh lý của trẻ, qua đó giúp trẻ hình thành những nền nếp, thói quen tốt và thích nghi với cuộc sống ở nhà trẻ.

Trẻ 24 - 36 tháng tuổi:

- Ăn 2 bữa chính và 1 bữa phụ.

- Ngủ: 1 giấc trưa.

Chế độ sinh hoạt cho trẻ 24 - 36 tháng tuổi

Thời gian

Hoạt động

50 - 60 phút

Đón trẻ

110 - 120 phút

Chơi - Tập

50 - 60 phút

Ăn chính

140 - 150 phút

Ngủ

20 - 30 phút

Ăn phụ

50 - 60 phút

Chơi - Tập

50 - 60 phút

Ăn chính

50 - 60 phút

Chơi/Trả trẻ

C. NỘI DUNG

I. NUÔI DƯỠNG VÀ CHĂM SÓC SỨC KHOẺ

1. Tổ chức ăn

- Xây dựng chế độ ăn, khẩu phần ăn phù hợp với độ tuổi

Nhóm tuổi

Chế độ ăn

Nhu cầu khuyến nghị năng lượng/ ngày/trẻ

Nhu cầu khuyến nghị năng lượng tại cơ sở giáo dục mầm non/ngày/trẻ (chiếm 60-70% nhu cầu cả ngày)

24 - 36 tháng

Cơm thường

930 - 1000 Kcal

765-893 Kcal

- Số bữa ăn tại cơ sở giáo dục mầm non: Hai bữa chính và một bữa phụ.

+ Năng lượng phân phối cho các bữa ăn: Bữa ăn buổi trưa cung cấp từ 30% đến 35% năng lượng cả ngày. Bữa ăn buổi chiều cung cấp từ 25% đến 30% năng lượng cả ngày. Bữa phụ cung cấp khoảng 5% đến 10% năng lượng cả ngày.

+ Tỉ lệ các chất cung cấp năng lượng được khuyến nghị theo cơ cấu:

Chất đạm (Protit) cung cấp khoảng 13% - 20% năng lượng khẩu phần.

Chất béo (Lipit) cung cấp khoảng 30% - 40% năng lượng khẩu phần

Chất bột (Gluxit) cung cấp khoảng 47% - 50% năng lượng khẩu phần.

- Nước uống: khoảng 0,8 - 1,6 lít/trẻ/ ngày (kể cả nước trong thức ăn).

- Xây dựng thực đơn hằng ngày, theo tuần, theo mùa.

2. Tổ chức ngủ

Trẻ từ 24 đến 36 tháng ngủ 1 giấc trưa khoảng 150 phút.

3. Vệ sinh

- Vệ sinh cá nhân.

- Vệ sinh môi trường: Vệ sinh phòng nhóm, đồ dùng, đồ chơi. Giữ sạch nguồn nước và xử lí rác, nước thải.

4. Chăm sóc sức khỏe và an toàn

- Khám sức khỏe định kỳ. Theo dõi, đánh giá sự phát triển của cân nặng và chiều cao theo lứa tuổi. Phòng chống suy dinh dưỡng, béo phì.

- Phòng tránh các bệnh thường gặp. Theo dõi tiêm chủng.

- Bảo vệ an toàn và phòng tránh một số tai nạn thường gặp.

II. GIÁO DỤC

MỤC TIÊU GD NĂM HỌC

NỘI DUNG GD NĂM HỌC

GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN THỂ CHẤT

 I. PHÁT TRIỂN VẬN ĐỘNG:

1.    Động tác phát triển các nhóm cơ và hô hấp:

- Trẻ khỏe mạnh, cân nặng và chiều cao phát triển bình thường theo lứa tuổi.

 

- Cân nặng: Trẻ trai 11.3-18.3; Trẻ gái 10.8-18.1

- Chiều cao: Trẻ trai 88.7-103.5; Trẻ gái 87.4-102.7

- Trẻ thực hiện được các động tác trong bài tập thể dục: hít thở, tay, lưng/bụng và chân.

 

Hô hấp: Tập hít vào thở ra

- Tay: giơ cao, đưa ra phía trước, đưa sang ngang, đưa ra sau kết hợp với lắc bàn tay.

- Lưng, bụng, lườn: cúi về phía trước, nghiêng người sang 2 bên, vặn người sang hai bên.

- Chân: ngồi xuống, đứng lên, co duỗi từng chân.

 2.Thực hiện vận động cơ bản và phát triển tố chất vận động ban đầu

- Trẻ biết phối hợp tay, chân, cơ thể trong khi bò để giữ được vật trên lưng:

- Tập bò, trườn:

+ Bò thẳng hướng và có vật trên lưng.

+ Bò chui qua cổng.

+ Bò, trườn qua vật cản.

- Trẻ giữ được thăng bằng trong  các vận động đi/ chạy thay đổi tốc độ nhanh- chậm  theo cô hoặc  đi có mang vật trên tay.

- Tập đi, chạy:

+ Đi theo hiệu lệnh, đi trong đường hẹp.

+ Đi có mang vật trên tay.

+ Chạy theo hướng thẳng.

+ Đứng co 1 chân.

- Tập nhúm bật:

+ Bật tại chỗ

+ Bật qua vạch kẻ.

- Tập tung, ném:

- Trẻ biết thực hiện phối hợp vận động tay- mắt : tung-bắt bóng; ném vào đích.

- Tập tung, ném:

+ Tung và bắt bóng với cô ở khoảng cách 1m

+ Ném bóng(túi cát) vào đích xa 1-1,2m

- Trẻ thể hiện sức mạnh của cơ bắp trong vận động ném, đá bóng; ném xa lên phía trước bằng một tay (tối thiểu 1,5m)

- Tập tung, ném, bắt:

+ Tung - bắt bóng cùng cô.

+ Ném bóng về phía trước.

+ Ném bóng vào đích.

+ Tập nhún bật tại chỗ,bật qua vạch kẻ.

3.Thực hiện vận động cử động của bàn tay, ngón tay

- Trẻ biết vận động cổ tay,  bàn tay, ngón tay thực hiện múa khéo

- Vận động cổ tay, bàn tay, ngón tay-thực hiện “múa khéo” xoa tay, chạm vào đầu ngón tay vào nhau.

- Trẻ biết phối hợp được cử động bàn tay, ngón tay và phối hợp tay mắt trong các hoạt động: nhào đất nặn; vẽ tổ chim; xâu vòng tay, chuỗi đeo cổ

- Xoa tay, chạm vào đầu ngón tay với nhau, rót, nhào, khuấy, đảo, vò, xé.

- Đóng cọc bàn gỗ.

- Nhón, nhặt đồ vật.

- Tập xâu, luồn dây, cài, cởi cúc, buộc dây.

- Chắp ghép hình.

- Chồng, xếp 6-8 khối gỗ.

- Tập cầm bút tô, vẽ.

- Lật, mở trang sách.

 II. GIÁO DỤC DINH DƯỠNG VÀ SỨC KHỎE

1.Trẻ có một số nề nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt

- Trẻ thích nghi với chế độ ăn cơm, ăn được các loại thức ăn khác nhau.

- Làm quen với chế độ ăn cơm và các loại thức ăn khác nhau.

- Tập luyện nề nếp, thói quen tốt trong ăn uống.

- Trẻ biết thực hiên một số thói quen trong sinh hoạt

- Luyện một số thói quen tốt trong sinh hoạt: ăn chín, uống chín, rửa tay trước khi ăn, lau mặt, lau miệng, uống nước sau khi ăn, vứt rác đúng nơi quy định.

- Trẻ ngủ một giấc buổi trưa.

- Luyện thói quen ngủ một giấc buổi trưa.

- Trẻ biết đi vệ sinh đúng nơi quy định.

-Tập đi vệ sinh đúng nơi qui định

2.Thực hiện được một số việc tự phục vụ, giữ gìn sức khỏe

- Trẻ làm được một số việc với sự giúp đỡ của người lớn (lấy nước uống, đi vệ sinh, đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm...)

- Tập tự phục vụ:

+ Xúc cơm, uống nước.

+ Mặc quần áo, đi giày dép, đi vệ sinh, cởi quần áo khi bị ướt, bị bẩn.

+ Chuẩn bị chỗ ngủ.

- Tập nói với người lớn khi có nhu cầu ngủ, vệ sinh.

- Tập đi vệ sinh đúng nơi quy định.

- Tập một số thao tác đơn giản trong rửa tay, lau mặt, đeo khẩu trang, đội mũ bảo hiểm,...,

- Trẻ biết chấp nhận đội mũ khi ra nắng, đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy, măc áo phao khi ngồi trên tàu thuyền, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài; đi giày dép; mặc quần áo ấm khi trời lạnh

- Tập cho trẻ quen việc đội mũ khi ra nắng; đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên xe máy,măc áo phao khi ngồi trên tàu thuyền, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài đi dép; mặt quần áo ấm khi trời lạnh.

- Trẻ biết bỏ rác đúng nơi qui định.

- Uống sữa xong bỏ rác vào thùng

- Nhặt lá cây rụng bỏ vào thùng rác khi tham gia dạo chơi ngoài sân theo sự hướng dẫn của cô.

3.Nhận biết và tránh một số nguy cơ không an toàn

- Trẻ biết tránh một số vật dụng, nơi nguy hiểm bếp đang đun, phích nước nóng, xô nước, giếng) khi được nhắc nhở.

- Nhận biết và tránh một số vật dụng nguy hiểm, những nơi nguy hiểm không được phép sờ vào hoặc đến gần như: bếp đang nấu, phích nước nóng, xô nước, giếng..khi được nhắc nhở.

- Trẻ biết và tránh một số hành động nguy hiểm (leo trèo lên lan can, chơi nghịch các vật sắc nhọn...) khi được nhắc nhở.

- Nhận biết một số hành động nguy hiểm và phòng tránh  như: leo trèo lên lan can, chơi nghịch các vật sắc nhọn...) khi được nhắc nhở

 

-Trẻ biết phân biệt một số hành vi đúng- sai khi tham gia giao thông

- Phân biệt một số hành vi đúng –sai khi tham gia giao thông.

- Trẻ biết 1 số kỹ năng để phòng chống dịch bệnh covid-19.

- Biết đeo khẩu trang, rửa tay băng xà phòng, nước sát khuẩn để phòng chống dịch bệnh covid-19.

GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN NHẬN THỨC

I. LUYỆN TẬP VÀ PHỐI HỢP CÁC GIÁC QUAN.

1.Khám phá thế giới xung quanh bằng các giác quan

- Trẻ biết sờ nắn, nhìn, nghe, ngửi, nếm để nhận biết đặc điểm nổi bật của đối tượng.

- Tìm đồ vật vừa mới cất giấu.

- Nghe nhận biết âm thanh của một số đồ vật, tiếng kêu của một số đồ vật quen thuộc.

- Sờ nắm, nhìn, ngửi... đồ vật,  hoa, quả để nhận biết đặt điểm nổi bật.

- Sờ nắm đồ vật, đồ chơi để nhận biết cứng- mềm, trơn(nhẵn)- xù xì

- Nếm vị của một số thức ăn (ngọt- mặn- chua)

 II. NHẬN BIẾT.

1.Thể hiện sự hiểu biết về các sự vật, hiện tượng gần gũi

- Trẻ  biết chơi bắt chước một số hành động quen thuộc của những người gần gũi. Sử dụng được một số đồ dùng, đồ chơi quen thuộc

- Chơi bắt chước 1 số hành động quen thuộc của những người gần gũi.

- Tên, đặc điểm nổi bật, và cách sử dụng đồ dùng, đồ chơi quen thuộc.

- Trẻ nói được tên của bản thân và những người gần gũi khi được hỏi.

+ Tên và một số đặc điểm bên ngoài của bản thân

+ Tên và công việc của những người thân gần gũi trong gia đình.

+ Tên của cô giáo, các bạn, nhóm/ lớp học.

- Trẻ nói được tên và chức năng của một số bộ phận cơ thể khi được hỏi

- Trẻ nói được tên, chức năng của một số bộ phận của cơ thể như mắt, mũi, tai, tay, chân..

- Trẻ nói được tên và một vài đặc điểm nổi bật của các đồ vật, hoa quả, con vật quen thuộc.

- Đồ dùng đồ chơi của bản thân và của nhóm lớp

- Tên, đặc điểm nổi bật, công dụng của 1 số phương tiện giao thông.

- Tên và một số đặc điểm nổi bật của con vật, rau, hoa quả quen thuộc.

- Trẻ biết chỉ/nói tên hoặc lấy hoặc cất đúng đồ chơi màu đỏ/vàng/xanh theo yêu cầu.

- Một số màu cơ bản: Màu đỏ, vàng, xanh

- Trẻ biết chỉ hoặc lấy hoặc cất đúng đồ chơi có kích thước to/nhỏ theo yêu cầu.

- Kích thước to-nhỏ.

- Chỉ hoặc lấy hoặc phân loại các đồ vật có hình dạng giống nhau.

- Trẻ nhận biết được hình tròn, hình vuông

- Chỉ, nói được tên hình tròn, hình vuông.

- Trẻ biết xác định được số lượng, vị trí trong không gian

- Xác định được vị trí trước sau, trên dưới so với bản thân trẻ.

- Biết số lượng một và nhiều.

GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ

1.Nghe hiểu lời nói

- Trẻ thực hiện được nhiệm vụ gồm 2-3 hành động.

- Nghe lời nói với sắc thái tình cảm khác nhau.

- Nghe các từ chỉ tên gọi đồ vât,sự vật, hành động quen thuộc.

- Nghe và thực hiện các yêu cầu bằng lời nói.

Ví dụ: “Cháu cất đồ chơi lên giá rồi đi rửa tay”

- Trẻ trả lời được các câu hỏi: “Ai đây?”; “Cái gì đây?”; “…làm gì?”; “…thế nào?”

- Nghe các câu hỏi; " Cái gì? "Làm gì? " Để làm gì?" "Ở đâu?"; "Như thế nào?"

- Trẻ hiểu nội dung truyện ngắn đơn giản: trả lời được các câu hỏi về tên truyện, tên và hành động của các nhân vật.

- Nghe, hiểu nội dung truyện kể, truyện đọc phù hợp với độ tuổi, trả lời được câu hỏi về tên truyện và hành động của các nhân vật.

- Nghe các bài hát, bài thơ, ca dao, đồng dao, câu đố, hò, vè phù hợp với độ tuổi

2. Nghe, nhắc lại các âm, các tiếng và các câu

- Trẻ biết phát âm rõ tiếng

- Phát âm các âm khác nhau

- Sử dụng các từ chỉ đồ vật, con vật, đặc điểm, hành động quen thuộc trong giao tiếp.

- Nói rõ các tiếng ví dụ con chó, nhút nhát,…

- Trả lời và đặt câu hỏi: “cái gì?”; “làm gì?”; “Ở đâu?”; “…thế nào?”; “để làm gì?”; “tại sao?”…

- Thể hiện nhu cầu, mong muốn và hiểu biết bằng 1-2 câu đơn giản và câu dài.

- Trẻ đọc được bài thơ, ca dao, đồng dao với sự giúp đỡ của cô giáo

- Nghe,  đọc các bài thơ, ca dao, đồng dao phù hợp với độ tuổi với sự giúp đỡ của cô giáo.

3.Sử dụng ngôn ngữ để giao tiếp

- Trẻ nói được câu đơn, câu có 5-7 tiếng, có các từ thông dụng chỉ sự vật, hoạt động, đặc điểm quen thuộc.

- Đọc các đoạn thơ, bài thơ ngắn có 3-4 tiếng.

- Kể lại đoạn truyện được nghe nhiều lần, có gợi ý.

- Trẻ biết sử dụng lời nói với các mục đích khác nhau

- Chào hỏi trò chuyện

- Bày tỏ nhu cầu của bản thân

- Hỏi về các vấn đề quan tâm như: “Con gì đây?”; “Cái gì đây?”…

- Trẻ nói to, đủ nghe, lễ phép.

- Sử dụng các từ thể hiện sự lễ phép như dạ, thưa, cám ơn, nói nhỏ nhẹ…khi nói chuyện với người lớn.

- Trẻ biết mở sách xem và gọi tên các sự vật, hành động của các nhân vật trong tranh.

- Lắng nghe khi người lớn đọc sách

- Xem tranh và gọi tên các nhân vật, sự vật, hành động gần gũi trong tranh.

GIÁO DỤC PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM, KỸ NĂNG XÃ HỘI VÀ THẨM MĨ

 I.PHÁT TRIỂN TÌNH CẢM

1.Biểu lộ sự nhận thức về bản thân

-Trẻ nói được một vài thông tin về bản thân mình (tên, tuổi)

- Nhận biết tên gọi, một số đặc điểm bên ngoài của bản thân (như tay, chân,mắt,mũi miệng..)

-Trẻ biết thể hiện điều mình thích và không thích

- Nhận biết một số đồ dùng, đồ chơi yêu thích của mình (Cầu trượt, xe ô tô, búp bê……)

2.Nhận biết và biểu lộ cảm xúc với con người và sự vật gần gũi

- Trẻ biết biểu lộ sự thích giao tiếp với người khác bằng cử chỉ, lời nói.

- Giao tiếp với những người xung quanh

- Trẻ nhận biết được trạng thái cảm xúc vui, buồn, sợ hãi.

- Trẻ biểu lộ cảm xúc vui, buồn, sợ hãi qua nét mặt, cử chỉ.

- Nhận biết và thể hiện một số trạng thái cảm xúc: vui, buồn, tức giận.

- Biểu lộ cảm xúc vui buồn, sợ hại của mình qua nét mặt,cử chỉ.

- Trẻ biết biểu lộ sự thân thiện với một số con vật quen thuộc/gần gũi: bắt chước tiếng kêu, gọi.

- Quan tâm đến các vật nuôi như (bắt chức tiếng kêu, gọi tên, cho ăn, uống nước….)

II. PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG XÃ HỘI

1.Thực hiện hành vi xã hội đơn giản

- Trẻ biết chào, tạm biệt, cảm ơn, ạ, vâng ạ.

- Thực hiện một số hành vi văn hóa và giao tiếp: chào tạm biệt, cám ơn, nói từ “dạ”, “vâng ạ”; biết nói nhỏ nhẹ, từ tốn..

- Trẻ biết thể hiện một số hành vi xã hội đơn giản qua trò chơi giả bộ (trò chơi bế em, khuấy bột cho em, nghe điện thoại…)

- Tập sử dụng đồ dùng, đồ chơi.

- Một số hành vi xã hội đơn giản qua trò chơi giả bộ (trò chơi bế em, khuấy bột cho em, nghe điện thoại, lau mặt…)

- Trẻ biết chơi thân thiện cạnh trẻ khác

- Chơi thân thiện, chơi cạnh bạn, không tranh giành đồ chơi với bạn

- Trẻ biết thực hiện một số yêu cầu của người lớn.

- Thực hiện yêu cầu đơn giản của người lớn.

-Thực hiên một số yêu cầu dơn giản trong sinh hoạt ở nhóm, lớp; xếp hàng chờ đến lượt, để đồ chơi vào nơi qui định.

 III. PHÁT TRIỂN CẢM XÚC THẨM MĨ

1. Thể hiện cảm xúc qua hát, vận động theo nhạc/tô màu, vẽ, nặn, xếp hình, xem tranh.

- Trẻ biết hát và vận động đơn giản theo một và bài hát/bản nhạc quen thuộc ca ngợi về quê hương

- Nghe hát, nghe nhạc với các giai điệu khác nhau; nghe âm thanh của các nhạc cụ

- Hát và tập vận động đơn giản theo nhạc

- Trẻ thích tô màu, vẽ, nặn, xé, xếp hình, xem tranh (cầm bút di màu, vẽ nguệch ngoạc).

- Vẽ các đường nét khác nhau, di màu, nặn, xé, vò, xếp hình.

- Xem tranh.

- Trẻ mạnh dạn tham gia các hoạt động và trả lời các câu hỏi.

- Tham gia các hoạt động trong lớp như học, chơi nhảy múa.. giơ tay phát biểu khi đàm thoại.

E. CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, HÌNH THỨC TỔ CHỨC VÀ PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

I. CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

1. Hoạt động giao lưu cảm xúc

Hoạt động này đáp ứng nhu cầu gắn bó của trẻ với người thân, tạo cảm xúc hớn hở, luyện tập và phát triển các giác quan, hình thành mối quan hệ ban đầu với những người gần gũi. Đây là hoạt động chủ đạo của trẻ dưới 12 tháng tuổi.

2. Hoạt động với đồ vật

Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của trẻ về tìm hiểu thế giới đồ vật xung quanh, nhận biết công dụng và cách sử dụng một số đồ dùng, đồ chơi, phát triển lời nói, phát triển các giác quan,... Đây là hoạt động chủ đạo của trẻ từ 12 đến 36 tháng tuổi.

3. Hoạt động chơi

Hoạt động này đáp ứng nhu cầu của trẻ về vận động và khám phá thế giới xung quanh, hình thành mối quan hệ với những người gần gũi. Ở độ tuổi này, trẻ có thể chơi thao tác vai (chơi phản ánh sinh hoạt), trò chơi có yếu tố vận động, trò chơi dân gian.

4. Hoạt động chơi - tập có chủ định

Đây là hoạt động kết hợp yếu tố chơi với luyện tập có kế hoạch dưới sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Hoạt động này được tổ chức nhằm phát triển thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kỹ năng xã hội và những yếu tố ban đầu về thẩm mĩ.

5. Hoạt động ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân

Đây là hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu sinh lí của trẻ, đồng thời tập cho trẻ một số nền nếp, thói quen tốt trong sinh hoạt hằng ngày và tạo cho trẻ trạng thái sảng khoái, vui vẻ.

II. HÌNH THỨC TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC

1. Theo mục đích và nội dung giáo dục, có các hình thức

- Tổ chức hoạt động có chủ định của giáo viên và theo ý thích của trẻ.

- Tổ chức lễ, hội: Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ hội, các sự kiện quan trọng trong năm.

liên quan đến trẻ có ý nghĩa giáo dục và mang lại niềm vui cho trẻ (Tết Trung thu, Tết cổ truyền, Tết thiếu nhi (ngày 1/6),...).

2. Theo vị trí không gian, có các hình thức

- Tổ chức hoạt động trong phòng nhóm.

- Tổ chức hoạt động ngoài trời.

3. Theo số lượng trẻ, có các hình thức

- Tổ chức hoạt động cá nhân.

- Tổ chức hoạt động theo nhóm nhỏ.

- Tổ chức hoạt động theo nhóm lớn.

Đối với trẻ lứa tuổi nhà trẻ nên chú trọng sử dụng hình thức tổ chức hoạt động cá nhân và theo nhóm nhỏ.

III. PHƯƠNG PHÁP GIÁO DỤC

1. Nhóm phư­ơng pháp tác động bằng tình cảm

Dùng cử chỉ vỗ về, vuốt ve gần gũi cùng với những điệu bộ, nét mặt, lời nói âu yếm để tạo cho trẻ những cảm xúc an toàn, tin cậy, thoả mãn nhu cầu giao tiếp, gắn bó, tiếp xúc với ng­ười thân và môi trường xung quanh.

2. Nhóm phư­ơng pháp trực quan - minh họa

Dùng ph­ương tiện trực quan (vật thật, đồ chơi, tranh ảnh, phim ảnh), hành động mẫu (lời nói và cử chỉ) cho trẻ quan sát, rèn luyện sự nhạy cảm của các giác quan, thoả mãn nhu cầu tiếp nhận các thông tin từ thế giới bên ngoài. Phương tiện trực quan và hành động mẫu cần sử dụng đúng lúc và kết hợp với lời nói với các minh hoạ phù hợp.

3. Nhóm phư­ơng pháp thực hành

a) Hành động, thao tác với đồ vật, đồ chơi

Tổ chức cho trẻ thao tác trực tiếp với đồ chơi, đồ vật dưới sự hướng dẫn của giáo viên (sờ mó, cầm nắm, lắc, mở đóng, xếp cạnh nhau, xếp chồng lên nhau) để tiếp nhận thông tin, nhận thức và hình thành các hành vi, kỹ năng.

b) Trò chơi

 Sử dụng các yếu tố chơi, các trò chơi đơn giản thích hợp để kích thích trẻ hoạt động, mở rộng hiểu biết về môi trường xung quanh và phát triển lời nói và vận động phù hợp.

c) Luyện tập

Tổ chức cho trẻ thực hiện lặp đi lặp lại các câu nói, động tác, hành vi, cử chỉ, điệu bộ phù hợp với yêu cầu nội dung giáo dục và hứng thú của trẻ. Lời nói của cô cần hướng đến giúp trẻ dễ dàng thực hiện các hành động, động tác luyện tập.

4. Nhóm phư­ơng pháp dùng lời nói (trò chuyện, kể chuyện, giải thích)

Sử dụng lời nói, lời kể diễn cảm, câu hỏi gợi mở phối hợp cùng với các cử chỉ, điệu bộ phù hợp nhằm khuyến khích trẻ tiếp xúc với đồ vật và giao tiếp với người xung quanh; bộc lộ ý muốn, chia sẻ những cảm xúc với người khác bằng lời nói và hành động cụ thể. Lời nói và câu hỏi của ngư­ời lớn cần ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu phù hợp với kinh nghiệm của trẻ.

Đối với trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ dùng tiếng mẹ đẻ khi giao tiếp là chủ yếu.

5. Nhóm phư­ơng pháp đánh giá, nêu gương

Ở lứa tuổi nhỏ, người lớn khen, nêu g­ương, tỏ thái độ đồng tình, khích lệ những việc làm, hành vi, lời nói tốt của trẻ là chủ yếu. Có thể tỏ thái độ không đồng tình, nhắc nhở khi cần thiết như­ng cần nhẹ nhàng, khéo léo.

Giáo viên phối hợp các phương pháp tạo ra sức mạnh tổng hợp tác động đến các mặt phát triển của trẻ, khuyến khích trẻ sử dụng các giác quan (nghe, nhìn, sờ …), sử dụng lời nói và tích cực hoạt động để phát triển; tăng cư­ờng giao tiếp, h­ướng dẫn cá nhân bằng lời nói, cử chỉ và hành động; chú trọng sử dụng phương pháp tác động bằng tình cảm và thực hành. Giáo viên luôn là tấm gương cho trẻ noi theo.

IV. TỔ CHỨC MÔI TRƯ­ỜNG CHO TRẺ HOẠT ĐỘNG

1. Môi trường vật chất

a) Môi trường cho trẻ hoạt động trong phòng nhóm/lớp

- Có các đồ dùng, đồ chơi đa dạng có màu sắc sặc sỡ, hình dạng phong phú, hấp dẫn, phát ra tiếng kêu và có thể di chuyển được.

- Sắp xếp, bố trí đồ vật an toàn, hợp lý, đảm bảo thẩm mỹ và đáp ứng mục đích giáo dục.

- Có khu vực để bố trí chỗ ăn, chỗ ngủ cho trẻ đảm bảo yêu cầu qui định.

- Các khu vực hoạt động bố trí phù hợp, linh hoạt có tính mở, tạo điều kiện dễ dàng cho trẻ tự lựa chọn và sử dụng đồ vật, đồ chơi, tham gia vào hoạt động, đồng thời thuận lợi cho sự quan sát của giáo viên.

+ Khu vực đủ rộng cho trẻ trườn, bò, đi men và chơi với các đồ chơi phát triển các giác quan, các thiết bị đồ chơi cho trẻ tập đi, tập vận động.

+ Khu vực cho trẻ hoạt động với đồ vật, với sách tranh, bút sáp, giấy, các vật dụng và thiết bị, đồ chơi vận động đơn giản.

+ khu vực chơi thao tác vai, chơi với đất nặn, bút vẽ.

b) Môi trường cho trẻ hoạt động ngoài trời

- Sân chơi, thiết bị đồ chơi ngoài trời được trang bị phù hợp với độ tuổi nhà trẻ và sắp xếp ở khu vực gần phòng nhóm/lớp.

- Có vườn cây, bồn hoa, cây cảnh, khu vực nuôi các con vật.

2. Môi trường xã hội

Môi trường chăm sóc, giáo dục trong trường mầm non cần phải đảm bảo an toàn về mặt tâm lí, tạo thuận lợi giáo dục các kĩ năng xã hội cho trẻ. Hành vi, cử chỉ, lời nói, thái độ của giáo viên đối với trẻ và những người khác luôn mẫu mực để trẻ noi theo.

G. ĐÁNH GIÁ SỰ PHÁT TRIỂN CỦA TRẺ

Đánh giá sự phát triển của trẻ là quá trình thu thập thông tin về trẻ một cách có hệ thống và phân tích, đối chiếu với mục tiêu của Chương trình Giáo dục mầm non, nhận định về sự phát triển của trẻ nhằm điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục trẻ một cách phù hợp.

I. ĐÁNH GIÁ TRẺ HẰNG NGÀY

1. Mục đích đánh giá

Đánh giá nhằm kịp thời điều chỉnh kế hoạch hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ hằng ngày.

2. Nội dung đánh giá

- Tình trạng sức khỏe của trẻ.

- Trạng thái cảm xúc, thái độ và hành vi của trẻ.

- Kiến thức, kĩ năng của trẻ.

3. Phương pháp đánh giá

Sử dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp sau đây để đánh giá trẻ:

- Quan sát.

- Trò chuyện, giao tiếp với trẻ.

- Phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ.

- Trao đổi với cha, mẹ/người chăm sóc trẻ.

Hằng ngày, giáo viên theo dõi và ghi chép lại những thay đổi rõ rệt của trẻ và những điều cần lưu ý để kịp thời điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục.

II - ĐÁNH GIÁ TRẺ THEO GIAI ĐOẠN

1. Mục đích đánh giá

Xác định mức độ đạt được của trẻ ở các lĩnh vực phát triển theo từng giai đoạn, trên cơ sở đó điều chỉnh kế hoạch chăm sóc, giáo dục cho giai đoạn tiếp theo.

2. Nội dung đánh giá

Đánh giá mức độ phát triển của trẻ theo giai đoạn về thể chất, nhận thức, ngôn ngữ, tình cảm, kĩ năng xã hội và thẩm mĩ.

3. Phương pháp đánh giá

Sử dụng một hay kết hợp nhiều phương pháp sau đây để đánh giá trẻ:

- Quan sát.

- Trò chuyện, giao tiếp với trẻ.

- Phân tích sản phẩm hoạt động của trẻ.

- Sử dụng bài tập tình huống.

- Trao đổi với cha, mẹ/người chăm sóc trẻ

Kết quả đánh giá được giáo viên lưu giữ trong hồ sơ cá nhân trẻ.

4. Thời điểm và căn cứ đánh giá

- Đánh giá cuối độ tuổi (24, 36 tháng) dựa vào kết quả mong đợi.

- Đánh giá mức độ phát triển thể chất của trẻ cần sử dụng thêm chỉ số về cân nặng, chiều cao cuối độ tuổi.

E. Tổ chức thực hiện

          - Tổng số chủ đề dự kiến thực hiện trong năm học 2022-2023: 10 chủ đề.

          - Các chủ đề được thực hiện trong suốt năm học và đảm bảo đủ 35 tuần.

          - Thời gian thực hiện chương trình giáo dục theo chủ đề bắt đầu ngày 12/9/2022 đến hết ngày 20/5/2022 tính cả thời gian dự kiến nghỉ Tết Nguyên Đán.

          - Giáo viên tổ nhà trẻ 24-36 tháng tuổi căn cứ theo mục tiêu, nội dung, dự kiến chủ đề, thời gian thực hiện chủ đề để xây dựng kế hoạch chủ đề, kế hoạch tuần, kế hoạch ngày phù hợp với độ tuổi và thực tế của lớp mình phụ trách. Các kế hoạch được thực hiện phải có sự thống nhất của Ban giám hiệu (Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn).

Trên đây là Kế hoạch giáo dục đối với trẻ 24-36 tháng tuổi năm học 2022- 2023 của Trường Mầm non Thủy Thanh 1. Đề nghị toàn thể giáo viên tổ nhà trẻ 24-36 tháng tuổi nghiêm túc thực hiện. Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc cần liên hệ Ban giám hiệu (Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn) để giải quyết kịp thời nhằm đảm bảo chương trình giáo dục cho trẻ.

Nơi nhận:

- BGH nhà trường;

- Các tổ trưởng;

- Tổ nhà trẻ;

- Lưu: HS chuyên môn.

 

PHÓ HIỆU TRƯỞNG

 

 

 

Hà Thị Lan Thu

 

TỔ TRƯỞNG

 

 

 

Phan Thị Diệu Hiền