Tin tức giáo dục
Làm gì để phòng chống suy dinh dưỡng
LÀM GÌ ĐỂ PHÒNG CHỐNG SUY DINH DƯỠNG THẤP CÒI Ở TRẺ? Theo tổ chức WHO, trong quá trình thai nghén, có khá nhiều bà mẹ không được ăn uống đầy đủ những dưỡng chất thiết yếu dẫn đến việc không cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi hoặc mắc một số bệnh trong thời kỳ mang thai, vì thế con sinh ra dễ bị nhẹ cân, chậm phát triển. Theo đó, những thai nhi có cân nặng dưới 2.500g được coi là bị suy dinh dưỡng thấp còi. Chế độ dinh dưỡng: Theo một số các chuyên gia thì dinh dưỡng có tầm ảnh hưởng lớn đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ nhỏ. Trong khẩu phần ăn của bé, những vi chất dinh dưỡng như kẽm, sắt, iod, vitamin A…. và protein hết sức cần thiết. Nếu thiếu những chất này, trẻ không những bị suy dinh dưỡng nhẹ cân mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ. Đặc biệt, đối với những trẻ không được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ và không được ăn bổ sung hợp lý (ăn bổ sung sớm, thức ăn đơn điệu, không đủ 4 nhóm thực phẩm) thì tình trạng suy dinh dưỡng nhẹ cân, còi cọc và chậm phát triển còn nguy hiểm hơn rất nhiều. Tình trạng bệnh tật: Theo một vài nghiên cứu, các chuyên gia cho rằng, đối với trẻ từ 2 tuổi trở xuống, nếu mắc các bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy, giun sán…. nhiều lần thì rất dễ ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao trong những năm tiếp sau đó. Vì theo như các chuyên gia, nhiễm khuẩn sẽ rất dễ làm cho trẻ biếng ăn, nôn trớ, trẻ sẽ khó hấp thu được các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi dưỡng cơ thể. Một cuộc khảo sát mới đây được tiến hành ở Brazil, kết quả cho thấy trong 2 năm đầu đời nếu trung bình trẻ bị 7 đợt tiêu chảy thì lúc 7 tuổi chiều cao của trẻ sẽ thấp hơn 3,6cm so với trẻ cùng tuổi không mắc bệnh. Yếu tố di truyền: Trong gia đình nếu cha mẹ thấp thì con cái của họ cũng có nguy cơ thấp còi. Tuy nhiên, nếu có một chế độ ăn uống hợp lý, mức sống được nâng cao thì chiều cao cũng có thể được tăng hơn đáng kể ở những thế hệ sau. Yếu tố kinh tế văn hóa xã hội: Suy dinh dưỡng thấp còi cũng thường xảy ra ở những trẻ sống trong các hộ gia đình nghèo, đông con. Ở những gia đình này, mức sống thấp, con cái không được ăn uống đủ đầy dẫn đến tình trạng còi cọc và chậm phát triển. Hậu quả khôn lường của suy dinh dưỡng thấp còi Không thể phủ nhận, trẻ cao lớn, thể trạng tốt sẽ phát triển hơn về trí não và nói “không” với các chứng bệnh. Do đó, việc trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển thể lực, trí tuệ và bệnh tật trước mắt cũng như sau này. Sự thiếu hụt các dưỡng chất cần thiết sẽ làm giảm phần nào khả năng nhận thức, trí thông minh, kết quả học tập, xa hơn nữa là năng suất lao động và thu nhập quốc dân của cả đất nước. Ngoài ra, những trẻ bị suy dinh dưỡng thấp còi sẽ rất dễ bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn do hệ miễn dịch bị suy giảm. Đồng thời, sau này cũng có nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, đái tháo đường, tim mạch…Còn đối với các bé gái, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh nở sau này, có nguy cơ đẻ khó và đẻ con nhẹ cân (dưới 2.500g) và do đó, tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi lại tái diễn. Làm gì để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi Các chuyên gia dinh dưỡng cho hay, thời cơ vàng để phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi có hiệu quả đó là trong thời kỳ bà mẹ mang thai và trẻ em trong 2 năm đầu đời. Chăm sóc bà bầu: Dinh dưỡng của các bà mẹ trong thời kỳ mang thai có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bào thai. Chế độ ăn phải đảm bảo nhu cầu protein, năng lượng, vitamin và khoáng chất để phòng chống thiếu năng lượng trường diễn, thiếu máu, thiếu canxi… Theo khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng quốc gia (2007) nhu cầu năng lượng của phụ nữ mang thai cao hơn phụ nữ không có thai là 360kcal/ngày trong 3 tháng giữa và 475kcal/ngày trong 3 tháng cuối và nhu cầu protein cao hơn từ 10-18g/ngày. Thêm vào đó, cần bổ sung những loại thức ăn đa dạng và có đủ 4 nhóm thực phẩm (ngũ cốc khoai củ, đạm động vật, đậu đỗ, dầu mỡ, rau xanh hoa quả). Ngoài chế độ ăn nên uống thêm viên sắt, acid folic (60mg sắt nguyên tố + 400mcg acid folic) để phòng chống thiếu máu và dị tật ống thần kinh thai nhi thì cần khám thai định kỳ và theo dõi tăng cân từng quý để bổ sung dinh dưỡng kịp thời. Chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ trong 2 năm đầu đời: Đây là giai đoạn chuyển tiếp về nuôi dưỡng trẻ từ trong bụng mẹ đến môi trường bên ngoài tử cung, trẻ bắt đầu bú mẹ, ăn bổ sung rồi tiến tới các chế độ ăn cùng gia đình. Trong giai đoạn này trẻ tăng trưởng và phát triển nhanh nhưng hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn nhất là tiêu chảy, viêm đường hô hấp cấp… sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ nhỏ, cho trẻ bú sớm ngay sau đẻ, bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu (180 ngày). Từ 6 tháng tuổi trở lên cho ăn bổ sung, thức ăn bổ sung có đủ 4 nhóm thực phẩm cùng với bú mẹ kéo dài 18-24 tháng. Khi trẻ bị bệnh không được kiêng khem quá mức, tiếp tục cho trẻ bú mẹ, ăn nhiều bữa trong ngày, thức ăn dễ tiêu hóa, đủ dưỡng chất. Ngoài ra bổ sung vi chất dinh dưỡng vitamin A, D, kẽm và tiêm chủng cho trẻ sẽ rất quan trọng giúp phòng chống suy dinh dưỡng thấp còi. ( cán bộ y tế của nhà trường tổng hợp)
Số lượt xem : 822
Chưa có bình luận nào cho bài viết này